TP.HCM khan hiếm căn hộ mới: Bài toán nguồn cung ‘đè nặng’ thị trường bất động sản

Thứ Năm, 1/5/2025, 09:16
TP.HCM khan hiếm căn hộ mới: Bài toán nguồn cung ‘đè nặng’ thị trường bất động sản

Trong Quý 1/2025, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) ghi nhận mức sụt giảm đáng kể về nguồn cung mới, chỉ khoảng 800 căn hộ được chào bán – giảm tới 70% so với quý trước. Trong bối cảnh các dự án tạm ngưng vẫn chưa thể tái khởi động, bài toán nhà ở vừa túi tiền tiếp tục là “nút thắt” lớn nhất trên thị trường.

Nguồn cung mới lao dốc, giao dịch trầm lắng

Theo số liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong Quý 1/2025, nguồn cung sơ cấp toàn thị trường TP.HCM chỉ đạt khoảng 5.000 căn hộ, giảm 24% so với quý trước. Dù vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn tăng nhẹ khoảng 2%. Đáng chú ý, lượng căn hộ mới được tung ra thị trường chỉ ở mức khoảng 800 căn – mức thấp kỷ lục trong nhiều quý gần đây.

Sự sụt giảm nguồn cung diễn ra trong bối cảnh nhiều dự án vẫn chưa được tái khởi động do vướng mắc pháp lý kéo dài. Cùng lúc, hoạt động giao dịch trên toàn thị trường cũng chậm lại đáng kể, với lượng tiêu thụ giảm tới 46% so với quý trước, chỉ đạt khoảng 1.400 căn.

Tuy nhiên, điểm sáng hiếm hoi đến từ tỷ lệ hấp thụ của nguồn cung mới, đạt tới 61%. Điều này cho thấy người mua ngày càng lựa chọn kỹ lưỡng, ưu tiên những dự án có pháp lý minh bạch, vị trí thuận lợi và hưởng lợi từ hạ tầng đô thị tương lai.

Phân khúc vừa túi tiền ngày càng xa tầm với

Trong bức tranh tổng thể đó, căn hộ vừa túi tiền – vốn là nhu cầu thiết thực của đại đa số người dân đô thị – lại tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm. Phân khúc này gần như vắng bóng trong cơ cấu nguồn cung tại TP.HCM.

Bà Giang Huỳnh – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M, Savills Việt Nam – lý giải: “Nguyên nhân chính gây tắc nghẽn nguồn cung căn hộ vừa túi tiền xuất phát từ hai yếu tố: thứ nhất, quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm; thứ hai, giá đất và các chi phí phát triển, xây dựng đều tăng cao. Do đó, các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất có xu hướng ưu tiên phát triển các phân khúc trung và cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận, thay vì tập trung vào phân khúc vừa túi tiền với biên lợi nhuận thấp hơn.”

Ngoài ra, tình trạng vướng mắc thủ tục pháp lý trong nhiều năm qua cũng khiến các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, không thể triển khai kịp thời. Theo bà Giang Huỳnh, dù hiện tại có một số chuyển biến tích cực từ chính sách và pháp luật, nhưng để tạo ra thay đổi rõ rệt trong nguồn cung, vẫn cần thêm thời gian.

Giao dịch thấp trong Quý 1 là chu kỳ bình thường

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng giao dịch sụt giảm trong Quý 1 là hiện tượng có tính chu kỳ. Thời điểm sau Tết thường là giai đoạn trầm lắng của thị trường, khi cả người mua lẫn chủ đầu tư đều không quá vội vàng xuống tiền hay mở bán sản phẩm.

TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – cho rằng: Thị trường bất động sản trong năm 2025 sẽ tiếp tục đà tăng và nóng ở nhiều phân khúc, nhiều khu vực. Trong năm 2024, thị trường miền Bắc, Hà Nội tăng trưởng cao, đến năm nay sẽ tiếp tục đà tăng và lan tỏa vào khu vực miền Trung, miền Nam, TP.HCM.

Cũng theo ông Đính, căn hộ chung cư, đặc biệt là phân khúc cao cấp, sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Đồng thời, biệt thự – liền kề tại các đại đô thị được đầu tư bài bản tiếp tục hút khách, dù giá bán “neo” ở mức cao.

Chờ đợi “cú hích” từ chính sách

Một điểm sáng khác được các chuyên gia kỳ vọng là hiệu ứng từ các chính sách tháo gỡ pháp lý đang được Chính phủ triển khai. TS. Nguyễn Văn Đính cho biết: Nghị quyết 170 và Nghị quyết 171 có thể giúp giải phóng khoảng 1.000 dự án đang ách tắc, tương đương 30 tỷ USD. Khi dòng vốn này được khai thông sẽ tạo cú hích lớn cho nền kinh tế, khơi dậy niềm tin từ doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo đà phát triển cho thị trường.

Về giá bất động sản, ông Đính nhận định thị trường thứ cấp có thể ghi nhận các đợt điều chỉnh nhẹ – điều này là cần thiết sau nhiều năm tăng “nóng” tới 50-70%. Tuy nhiên, trong trung hạn, giá bất động sản khó có khả năng giảm sâu, bởi áp lực từ chi phí đầu vào, giá đất và thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá lên.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang bước vào một giai đoạn nhạy cảm: nguồn cung mới hạn chế, căn hộ vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, trong khi tâm lý người mua trở nên thận trọng hơn bao giờ hết. Những chuyển biến chính sách có thể là chìa khóa để giải tỏa nút thắt thị trường – nhưng đó là câu chuyện của tương lai gần. Trước mắt, thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở đại chúng.

Cùng chuyên mục

Xem tất cả

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy.

12/12/2024 04:58 PM

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho phép cắt giảm tới 70% thời gian thực hiện thủ tục đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội.

12/12/2024 04:58 PM

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2025/NĐ-CP quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

12/12/2024 04:58 PM

Với mức giá đấu khởi điểm hấp dẫn, chỉ từ hơn 8,9 triệu đồng/m2; vào giữa tháng 5/2025, 6 thửa đất xen kẹt tại Khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) và Khu Đồng Cầu Lọc (xã Ngọc Tảo) sẽ được huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) tổ chức đấu giá.

12/12/2024 04:58 PM