(Kiều Trang) - Tại Hà Nội, giá thuê nhà trọ tăng cao khiến nhiều hộ gia đình phải dành phần lớn thu nhập hàng tháng cho chi phí thuê nhà. Điều này tạo áp lực tài chính nặng nề, đặc biệt đối với người lao động và sinh viên.
Giá trọ leo thang từng ngày
Thay vì tích luỹ tài sản, mua nhà, nhiều người lao động hoặc giới trẻ có xu hướng thuê nhà nhiều hơn trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Giá bất động sản tại các thành phố lớn liên tục tăng cao và vượt xa tốc độ tăng thu nhập khiến việc mua nhà trở nên rất khó khăn.
Giá nhà ở, nhất là sản phẩm căn hộ liên tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, trong khi thu nhập trung bình của người dân tăng không đáng kể.
Điều này khiến người lao động trẻ buộc phải thuê nhà do không đủ khả năng tài chính mua nhà và khó có thể đáp ứng mức vay vốn dài hạn lớn như vậy.
Cụ thể, với giá nhà hiện tại - chung cư 2 phòng ngủ giá dưới 3 tỷ gần như “biến mất”, ngay cả khi có sẵn tài chính tương đương khoảng 30% giá trị căn hộ và chọn vay mua nhà phần còn lại, tương ứng với khoảng hơn 2 tỷ đồng, việc vay mua nhà đối với người trẻ vẫn gặp “muôn vàn khó khăn”. Lựa chọn vay mua nhà đồng nghĩa với việc phải trả nợ trong 15-25 năm, hoặc phải “bóp mồm bóp miệng” cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác để có thời gian trả nợ ngắn hơn. Đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo anh Lê Long (quê Hải Dương), gia đình anh đang thuê một căn chung cư 63m2 trên đường Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân) với giá thuê hàng tháng là 12 triệu đồng. Căn hộ được 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 2 nhà vệ sinh chung dành cho một gia đình 5 người đã eo hẹp, tuy nhiên giá thuê nhà đó cũng bằng cả tháng lương giáo viên của anh Long. Theo ghi nhận, căn chung cư được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, tường ốp gạch bong tróc,thang máy không đảm bảo an toàn, tuy nhiên, mới đây chủ nhà thông báo mỗi tháng sẽ thu thêm 2 triệu tiền nhà với lý do “giá chung cư tăng cao”.
Tiền thuê nhà cao khiến người lao động lao đao. (Ảnh: Kiều Trang)
Gia đình anh Long cũng đang chật vật muốn đổi sang thuê nhà có diện tích nhỏ hơn, để giảm gánh nặng kinh tế. “Tiền nhà đóng 3 tháng một, mỗi lần mấy chục triệu, gia đình tôi không để ra được đồng nào phòng ốm đau, hay biếu gì bố mẹ” anh Long cho hay.
Cùng đó, chị Hà Vy – một nhân viên nhà nước, cũng đang sốt ruột tìm nhà để thuê trên các hội nhóm, vì căn nhà chị thuê trước đó bị thu hồi. “Tôi vẫn biết Hà Nội tiền thuê nhà đắt, nhưng lâu rồi mới đi tìm nhà, không biết giá nhà đã tăng cao vút thế này. Lương tháng được 13 triệu mà hỏi thuê một căn 5 triệu mà thiếu thốn đủ thứ”.
Được biết, căn phòng ở phố Cự Lộc trước đó có giá thuê 4,5 triệu đồng/tháng, chị Vy chia sẻ cách đây 3 năm khi còn là sinh viên, chị và bạn thuê chung căn phòng tại một chung cư mini với giá 3 triệu đồng/tháng ở quận Cầu giấy đã rất đầy đủ tiện nghi rồi.
Nhiều lao động thu nhập 10 triệu đồng/tháng hoặc sinh viên tỉnh lẻ đang học tập tại Hà Nội cũng khó có thể "trụ" nổi mức thuê hiện tại. Đây là lý do khiến nhiều người chấp nhận rủi ro, buộc phải ở ghép để chia sẻ chi phí.
Giá nhà trọ tăng cao đi kèm với giá dịch vụ điện nước cũng tăng đỉnh điểm.Số điện một tháng ở các nhà cho tuê thuộc các quận trung tâm thành phố lên tới 4 nghìn đồng 1 số. Với lý do, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá bán lẻ điện ,từ ngày 10/5 nên nhiều nhà trọ còn mạnh dạn tăng tiền điện lên hơn 5 nghìn đồng /số.
Để tìm một phòng trọ 3,5 triệu đồng/tháng ở quận trung tâm lại khó đến bất ngờ.
(Ảnh: Kiều Trang)
Rẻ để ở, đắt để an cư
Dù giá nhà tăng chóng mặt, nhu cầu thuê vẫn không hề giảm. Không ít người đành phải chấp nhận sống xa trung tâm, trong những khu trọ xuống cấp để vừa túi tiền. Những khu trọ nằm sâu trong ngõ nhỏ, thiếu ánh sáng, hệ thống điện nước chắp vá, tường ẩm mốc, thậm chí không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy được lựa chọn để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Những rủi ro ấy trở thành cái giá phải trả cho mức thuê "hợp túi tiền" giữa lòng thủ đô.
Những nhà trọ “vừa túi tiền” thì lại có quá nhiều rủi ro cháy nổ, sập xệ. (Ảnh: Group Nhà trọ - phòng trọ giá rẻ Hà Nội”
Với thu nhập trung bình của người lao động tại Hà Nội dao động từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng, việc tiết kiệm để mua nhà gần như là điều xa vời. Giả sử một căn hộ chung cư tầm trung ở khu vực ngoại thành có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, nếu mỗi tháng một người trẻ dành ra 30% thu nhập (tức khoảng 3 triệu đồng) để tiết kiệm thì cũng phải mất hơn 40 năm mới đủ tiền mua, chưa kể lạm phát và biến động giá bất động sản. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, bảo hiểm, và các khoản phát sinh khác khiến việc để dành đều đặn trở nên bất khả thi.
Chính vì vậy, với thu nhập hiện tại, "giấc mơ an cư" của người trẻ ở Hà Nội đang ngày càng rời xa thực tế – nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình hoặc nguồn thu nhập đột biến.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, để tiết kiệm hiệu quả, muốn mua nhà cần lập kế hoạch tài chính rõ ràng và kỷ luật trong chi tiêu. Một trong những cách dễ thực hiện là áp dụng nguyên tắc 50-30-20: dành 50% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, đi lại), 30% cho các nhu cầu cá nhân và 20% để tiết kiệm hoặc đầu tư.
Ngoài ra, việc tìm cách tăng thu nhập – thông qua làm thêm, học kỹ năng mới để thăng tiến hoặc tìm cho mình những cơ hội tốt hơn – cũng là chìa khóa quan trọng. Tiết kiệm không chỉ là cắt giảm chi tiêu, mà còn là tạo ra nhiều dòng tiền hơn, từ đó rút ngắn hành trình hiện thực hóa giấc mơ mua nhà.
Ước mơ “an cư” với một mái nhà riêng giờ trở thành gánh nặng đè nặng lên vai người thuê trọ mỗi cuối tháng. Bài toán chỗ ở giá phải chăng, an toàn và ổn định vẫn là nỗi trăn trở chưa có lời giải thỏa đáng.
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình trên địa bàn nghiêm túc thực hiện phương án đảm bảo an toàn vận hành cần trục tháp.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công viên-thể dục thể thao Mê Linh với diện tích rộng hơn 60 héc-ta, chia thành 3 khu chức năng chính.
Nghệ An đang triển khai quyết liệt các bước chuẩn bị giải phóng mặt bằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thể hiện quyết tâm và mong muốn dự án sớm được triển khai.
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vui lòng gửi phản ánh của bạn để chúng tôi hỗ trợ hoặc cải thiện giúp tăng trải nghiệm cho bạn.
Chào mừng đến với Chuyên trang Bất động sản của thời báo VTV
Bạn chưa có tài khoản? Đăng kí ngay
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập