TP. Huế đang lấy ý kiến nhân dân về cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các dự án nhà ở xã hội. Theo dự thảo, mỗi dự án có thể được hỗ trợ đến 30% chi phí hạ tầng kỹ thuật, tối đa 5 tỷ đồng, cùng nhiều khoản phí, lệ phí được miễn hoàn toàn.
Hiện nay, TP. Huế đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách hoặc nguồn tài chính công đoàn tại TP. Huế.
Theo nội dung dự thảo, những dự án này sẽ được hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và miễn, giảm các loại phí và lệ phí nhất định.
Cụ thể, đối với các dự án nhà ở xã hội nằm trong quỹ đất phát triển nhà ở xã hội độc lập, TP. Huế sẽ hỗ trợ 30% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi khu đất xây dựng, theo quy hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 30% tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, được tính theo suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố tại thời điểm phê duyệt dự án, và không vượt quá 5 tỷ đồng cho mỗi dự án.
Khoản hỗ trợ này không bao gồm chi phí xây dựng hệ thống kỹ thuật bên trong tòa nhà, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phần diện tích dùng để kinh doanh hoặc các hạng mục thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước quản lý.
Đối với dự án nhà ở xã hội nằm trong phạm vi các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, Nhà nước cũng hỗ trợ tương tự về chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, phần chi phí mà chủ đầu tư đã thực hiện trong phạm vi quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội sẽ không được tính vào diện được hỗ trợ.
Ngoài ra, các dự án nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách và tài chính công đoàn còn được hỗ trợ 100% phí và lệ phí đối với các hoạt động: thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; thẩm định thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Dự án cũng được miễn hoàn toàn lệ phí cấp giấy phép xây dựng theo Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND ngày 15/11/2024 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là HĐND TP. Huế) về mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn.
TP. Huế đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ hoàn thành khoảng 7.700 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến hoàn thành khoảng 3.100 căn, và giai đoạn 2025 – 2030 là khoảng 4.600 căn.
Sau nhiều năm bỏ hoang, Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng tại TP Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư hơn 160 tỉ đồng, sẽ được chuyển đổi thành nơi ở cho vận động viên thể thao thành tích cao. UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất phương án này nhằm tận dụng công trình đang xuống cấp và tránh lãng phí tài sản công.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 34/2025/QĐ-UBND, quy định quy trình lập, phê duyệt danh mục và bố trí kinh phí sửa chữa công trình tài sản công, áp dụng từ ngày 17/5/2025. Quy định này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo trì tài sản công trên địa bàn thành phố.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí đủ kinh phí từ ngân sách để thực hiện điều tra, đánh giá đất đai giai đoạn 2026–2030. Kết quả sẽ là cơ sở quan trọng cho việc lập quy hoạch, sử dụng đất hiệu quả và bền vững.
Trước tình trạng thiếu hụt cát xây dựng, Bình Định triển khai đề tài khảo sát khai thác cát nhiễm mặn tại đầm Thị Nại để phục vụ san nền cho các công trình trọng điểm như cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Dự kiến, nghiên cứu sẽ bắt đầu từ tháng 6/2025 nhằm đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng sử dụng loại vật liệu này.
Vui lòng gửi phản ánh của bạn để chúng tôi hỗ trợ hoặc cải thiện giúp tăng trải nghiệm cho bạn.
Chào mừng đến với Chuyên trang Bất động sản của thời báo VTV
Bạn chưa có tài khoản? Đăng kí ngay
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập