Sân bay Long Thành sắp vận hành nhưng hạ tầng kết nối vẫn là điểm nghẽn

Thứ Hai, 7/7/2025, 20:05
Sân bay Long Thành sắp vận hành nhưng hạ tầng kết nối vẫn là điểm nghẽn

Nhà ga Long Thành dự kiến hoàn thành cuối 2025, khai thác năm 2026, nhưng việc thiếu hệ thống giao thông đa phương thức – như metro, cao tốc mở rộng, đường sắt – khiến việc di chuyển từ TP.HCM mất từ 2 đến 5 giờ, có thể cản trở lượng khách và hiệu quả vận hành của “siêu sân bay” này.

Sân bay chờ đường

Theo ông Nguyễn Cao Cường – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự án sân bay Long Thành bao gồm 4 dự án thành phần, trong đó hạng mục quan trọng nhất là thành phần 3 (khu nhà ga và hạ tầng hàng không) do ACV làm chủ đầu tư. Hiện nay, hơn 3.000 kỹ sư, công nhân cùng 3.000 thiết bị, máy móc đang thi công liên tục 24/24. Mục tiêu là đến ngày 19/12 sẽ tiến hành hiệu chỉnh nhà ga – một cột mốc then chốt được Chính phủ và hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh việc xây xong nhà ga thôi chưa đủ. Nếu không có hệ thống đường bay, hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện, nhà ga xây xong cũng không phát huy giá trị. Kết nối giữa Long Thành và TPHCM chưa đồng bộ sẽ khiến việc khai thác sân bay Long Thành rất khó khăn", ông Cường nói.

Ngoài hạ tầng vật lý, một thách thức lớn khác là tổ chức mạng lưới chuyến bay và hoạt động khai thác. Theo ông Cường, một sân bay quốc tế không chỉ phục vụ các chuyến bay đi – đến trực tiếp mà còn phải đảm bảo khả năng trung chuyển (transit). Ông lấy ví dụ, nếu hành khách phải mất đến 5 tiếng để di chuyển từ Long Thành đến Tân Sơn Nhất để nối chuyến, khả năng khách chọn sân bay sẽ rất thấp. Khi không có lượng khách ổn định, các hãng hàng không cũng khó mở và duy trì đường bay.

Các chuyên gia cho rằng, để sân bay Long Thành vận hành thành công, cần giải quyết bài toán kết nối với TP Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận, đặc biệt là đảm bảo giao thông thuận tiện giữa Long Thành và Tân Sơn Nhất. Đây là yếu tố then chốt để thu hút hãng bay, tăng sản lượng hành khách và khai thác hiệu quả công trình hạ tầng hàng không quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ tới của Việt Nam.

PGS.TS Trần Quang Phú – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh – nhận định rằng nếu hạ tầng kết nối chưa được đồng bộ khi sân bay đưa vào vận hành, thì khó có thể kỳ vọng đạt được hiệu quả như mong đợi.

Theo ông Phú, điều kiện tiên quyết để Long Thành hoạt động hiệu quả là phải có sự kết nối thuận tiện với TP Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế của cả khu vực. Tuy nhiên, hiện kết nối chủ yếu là đường bộ qua cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1 và 51, vốn đã thường xuyên quá tải. Trong khi đó, các tuyến giao thông trọng điểm khác như Vành đai 3, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn đang trong quá trình thi công; riêng Vành đai 4 mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Ông Phú cho rằng, các dự án kết nối này có vai trò huyết mạch, tiến độ triển khai sẽ quyết định trực tiếp đến khả năng khai thác của sân bay. Với quy mô quốc tế, Long Thành cần có mạng lưới giao thông đa phương thức như metro, buýt nhanh, đường sắt cao tốc, đường thủy, kết hợp với hệ thống điều hành thông minh – tương tự mô hình các sân bay Incheon (Hàn Quốc), Schiphol (Hà Lan). Đồng thời, dọc các trục kết nối cần phát triển các khu đô thị theo mô hình định hướng giao thông công cộng (TOD) để khai thác hiệu quả quỹ đất và nâng cao tính kết nối.

"Trước mắt, cần đẩy nhanh mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, kết nối Vành đai 4, đồng thời kêu gọi đầu tư vào tuyến đường sắt và tận dụng các tuyến sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai để mở các tuyến vận tải thủy phục vụ sân bay", ông đề xuất.

Phát triển thành phố sân bay

Ông Huỳnh Tấn Lộc – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai – cho biết tỉnh đang ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành và các tuyến Vành đai 3, 4 kết nối với TP Hồ Chí Minh. Đây là các trục giao thông quan trọng để liên kết trực tiếp Long Thành với TP Hồ Chí Minh và tạo động lực phát triển bền vững cho vùng Đông Nam Bộ.

Đồng Nai cũng định hướng phát triển thành phố sân bay Long Thành thành một cực tăng trưởng mới, với vùng lõi là khu đô thị thương mại tự do rộng hơn 8.000 ha.

"Chúng tôi không chỉ kỳ vọng Long Thành là một sân bay hiện đại, mà còn là trung tâm của một đô thị sân bay sinh thái, thông minh, mang tính toàn cầu. Đây sẽ là cặp đô thị song sinh Long Thành – TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ lẫn nhau và phát huy tối đa tiềm năng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Lộc chia sẻ.

Ông Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh – cũng cho rằng, vấn đề liên kết vùng từ lâu đã được đặt ra. Sau ngày 1/7, liên kết vùng Đông Nam Bộ về cơ bản xoay quanh ba địa phương chính: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tây Ninh. Trong vùng đang dần hình thành hệ thống đường vành đai tạo không gian phát triển mới, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự vận hành đồng bộ và hiệu quả của sân bay Long Thành.

Cùng chuyên mục

Xem tất cả

Sau khi chính quyền hai cấp được triển khai từ 1/7, việc giải phóng mặt bằng dự án giao thông chuyển giao thẩm quyền về cấp xã, phường để giảm khâu trung gian, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây là bước then chốt nhằm thúc đẩy giải ngân 900.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đang bị chậm ở nhiều địa phương.

12/12/2024 04:58 PM

Bộ NN‑MT yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, sau việc sáp nhập đơn vị hành chính. Báo cáo chi tiết cần gửi về Bộ trước ngày 20/7, cùng với hồ sơ địa giới và kiểm kê nhằm đảm bảo quy hoạch không bị gián đoạn và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

12/12/2024 04:58 PM

Việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất diễn ra sau khi sắp xếp đơn vị hành chính theo các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

12/12/2024 04:58 PM

Dự án nhà ở xã hội mới trên địa bàn phường Trần Phú có tổng mức đầu tư hơn 2.381 tỷ đồng với 1.520 căn hộ vừa được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận.

12/12/2024 04:58 PM