Mặc dù người dân đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư dự án Viễn Đông Star, thế nhưng họ vẫn gặp phải rắc rối khi dự án này đã bị chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng để vay vốn.
Gia đình anh Lương Ngọc Kiên mua căn hộ tại dự án chung cư Viễn Đông Star (số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vào cuối năm 2020 với giá 2,2 tỷ đồng. Vợ chồng anh đã thanh toán hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt cho Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 và nhận đầy đủ phiếu thu. Phần còn lại, gia đình anh ký hợp đồng thế chấp tài sản và cam kết ba bên để vay 900 triệu đồng từ Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Hoàn Kiếm, hoàn tất nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.
Thế nhưng, sau khoảng một năm sinh sống, gia đình anh Kiên bất ngờ nhận được thông báo từ TPBank - Chi nhánh Hội sở, ngân hàng bảo lãnh dự án Eco Green Tower (Viễn Đông Star), rằng căn hộ của gia đình anh đã bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng này từ trước và đến nay vẫn chưa được giải chấp.
Theo anh Kiên, Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 - chủ đầu tư dự án - có trách nhiệm nộp số tiền mà gia đình anh đã thanh toán cho TPBank - Chi nhánh Hội sở. Nếu chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính này, ngân hàng phải làm việc trực tiếp với Công ty để thu hồi khoản tiền đã nhận từ khách hàng.
Từ video do chị Điệp - vợ anh Kiên - cung cấp, trong buổi làm việc ngày 13/7/2021 giữa ba bên gồm đại diện TPBank Hội sở (anh Tuấn), đại diện TPBank Hoàn Kiếm (anh Tiến, chị Chinh) và vợ chồng anh Kiên, chị Điệp, phía TPBank Hội sở cho biết chủ đầu tư vẫn chưa chuyển số tiền hơn 1,2 tỷ đồng vào tài khoản mở tại ngân hàng này.
Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Hội sở đã gửi thông báo tới gia đình anh Kiên với các nội dung:
1. Việc thực hiện giao dịch mua bán căn hộ tại dự án Eco Green Tower (Viễn Đông Star) chỉ được thực hiện và phù hợp với quy định pháp luật khi có văn bản giải chấp của ngân hàng TMCP Tiên Phong.
2. Để đảm bảo quyền lợi của Quý nhà đầu tư, TPBank đề nghị Quý nhà đầu tư thực hiện chuyển khoản 100% giá trị mua bán căn hộ/thương phẩm tại dự án Eco Green Tower (Viễn Đông Star)- địa chỉ số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội vào tài khoản của Công Ty Cổ phần Sông Đà 1.01 mở tại ngân hàng TMCP Tiên Phong.
3.TPBank chỉ thực hiện giải chấp 100% căn hộ thế chấp khi Quý nhà đầu tư đã thực hiện chuyển đủ 100% giá trị giao dịch của hợp đồng mua bán giữa Quý nhà đầu tư và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 về tài khoản thanh toán của Công Ty Cổ phần Sông Đà 1.01 mở tại ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Nhận được thông báo trên, anh Kiên và chị Điệp bày tỏ bức xúc khi cho rằng trong cùng một hệ thống ngân hàng, TPBank Chi nhánh Hoàn Kiếm không xác minh rõ tình trạng pháp lý căn hộ trước khi thẩm định, cho vay.
Theo chị Điệp, khi vay vốn tại TPBank Hoàn Kiếm, nhân viên ngân hàng khẳng định căn hộ "sạch", đã được thẩm định và phê duyệt hồ sơ kỹ càng, khiến gia đình chị hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, thông tin căn hộ đã bị thế chấp ở TPBank Hội sở khiến họ hết sức bất ngờ và lo lắng.
"Tôi sống trong căn nhà bằng xương máu, bằng tiền của mình làm ra nhưng luôn nơm nớp lo sợ về quyền sở hữu...", chị Điệp nghẹn ngào chia sẻ.
Không chỉ gia đình anh Kiên, trường hợp anh Đào Đức Mạnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm 2020, anh Mạnh mua căn hộ tại dự án và theo hướng dẫn của Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 đã chuyển khoản 1,8 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của ông Tạ Văn Trung - Giám đốc Công ty.
Khi liên hệ với ông Trung, anh Mạnh chỉ nhận được câu trả lời rằng số tiền này vẫn chưa được chuyển nộp cho TPBank.
"Trong quá trình sinh sống, tôi phát hiện căn hộ chưa được giải chấp từ ngân hàng bảo lãnh dự án. Tôi rất lo lắng vì tài sản của mình chưa chính thức thuộc quyền sở hữu...", anh Mạnh bày tỏ.
Trước những bức xúc của người dân, phóng viên đã tiếp cận ông Tạ Văn Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. Ông Trung xác nhận đã nhận tiền từ gia đình anh Kiên và anh Mạnh, sau đó bàn giao lại cho ông Nguyễn Bình Đông - Phó Giám đốc Công ty để thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân hàng và hoàn thiện dự án.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án chung cư Viễn Đông Star vẫn chưa hoàn thành nghiệm thu công trình. Song song đó, tình trạng lập lờ về nghĩa vụ tài chính giữa chủ đầu tư và ngân hàng vẫn chưa được giải quyết, đẩy người mua nhà vào thế rủi ro, thấp thỏm chờ đợi quyền sở hữu chính thức đối với tài sản của mình.
Theo ý kiến của Luật sư Lê Hồng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để xác định trách nhiệm của ngân hàng trong vụ việc, cần căn cứ theo quy định tại Điều 322 và 323 Bộ luật Dân sự về quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản. Theo đó, trước khi quyết định cho người dân vay vốn, ngân hàng có quyền và trách nhiệm kiểm tra, xác minh tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin đầy đủ về tài sản trước khi ký kết hợp đồng tín dụng.
Đối với chủ đầu tư (CĐT), trong trường hợp này, khoản tiền mà người dân đã nộp cho CĐT phải được CĐT chuyển trả cho ngân hàng. Do tài sản vẫn đang trong tình trạng thế chấp, trách nhiệm chính trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thuộc về CĐT. Người dân đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán với CĐT, do đó CĐT có nghĩa vụ dùng số tiền đó để trả nợ cho ngân hàng.
Về phía người dân, họ đang đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý. Do tài sản chưa được giải chấp, người dân sẽ không thể được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ), đồng nghĩa với việc không thể thực hiện các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng hoặc tặng cho tài sản.
"Vì người dân vẫn đang có hợp đồng vay vốn với ngân hàng, nếu ngân hàng không thu hồi được khoản nợ, họ có quyền xử lý tài sản bảo đảm hoặc tiến hành bán tài sản để thu hồi nợ," Luật sư Lê Hồng phân tích.
Tiền đã nộp, phiếu thu đã có, hợp đồng mua bán đã ký, thế nhưng quyền sở hữu căn hộ của người dân vẫn chưa thể xác lập. Khi chủ đầu tư đã nhận tiền nhưng không hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, còn ngân hàng thực hiện giải ngân trong khi khâu thẩm định hồ sơ còn nhiều dấu hỏi về tính chặt chẽ, câu hỏi đặt ra là: Trách nhiệm cuối cùng sẽ thuộc về ai?
Phóng viên Thời báo VTV đang tiếp tục liên hệ với các bên liên quan để làm rõ vụ việc.
71 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Hà Nội sẽ bị xử phạt với số tiền gấp 2 lần quy định hiện hành của Chính phủ.
154 khu đất với tổng diện tích hơn 840 ha được TP Hà Nội đề xuất thí điểm làm dự án nhà thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.
UBND TP. Hà Nội mới đây ban hành Quyết định số 2211 phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025 (đợt 5).
83,17 ha đất rừng đặc dụng ở Phú Quốc được chuyển đổi mục đích để làm khu du lịch sinh thái cao cấp.
Vui lòng gửi phản ánh của bạn để chúng tôi hỗ trợ hoặc cải thiện giúp tăng trải nghiệm cho bạn.
Chào mừng đến với Chuyên trang Bất động sản của thời báo VTV
Bạn chưa có tài khoản? Đăng kí ngay
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập