Phương án mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông lên quy mô 6 làn xe do VEC đề xuất được đánh giá là phù hợp và khả thi.
Phân kỳ theo hai giai đoạn
Hơn một tháng sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, giữa tuần qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có Văn bản số 1999/BC-VEC-HĐTV gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, báo cáo phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo Thông báo số 266/TB-VPCP ngày 27/5/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo VEC khẩn trương đề xuất phương án (VEC chủ trì toàn bộ hoặc hợp tác với doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước; đề xuất cơ chế, chính sách đi kèm), gửi Bộ Xây dựng trước ngày 2/6/2025. Bộ Xây dựng có trách nhiệm đánh giá, so sánh các phương án để trình Thủ tướng phương án hiệu quả, tối ưu.
Tiếp đó, tại Thông báo số 323/TB-VPCP ngày 26/6/2025, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo VEC nghiên cứu hai phương án đầu tư theo kiến nghị của Bộ Xây dựng, làm rõ năng lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng huy động vốn, gửi lại Bộ Xây dựng trước ngày 27/6/2025.
Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án đầu tư mở rộng 15 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc hai giai đoạn của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông 2017-2020.
Phương án 1 gộp toàn bộ 15 tuyến thành một dự án, tổng chiều dài khoảng 966 km, tổng mức đầu tư khoảng 128.292 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Phương án 2 chia thành hai dự án theo khu vực. Dự án 1 gồm 8 tuyến từ Mai Sơn đến Cam Lộ, tổng chiều dài khoảng 415 km, vốn đầu tư 54.182 tỷ đồng. Dự án 2 gồm 7 tuyến từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây, dài 551 km, vốn đầu tư 74.110 tỷ đồng (các mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay).
Tại Văn bản số 1999/BC-VEC-HĐTV, ông Trương Việt Đông – Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VEC đã làm việc với SCIC và một số doanh nghiệp có kinh nghiệm thi công để nghiên cứu hợp tác đầu tư với cả hai phương án do Bộ Xây dựng đề xuất.
VEC nhấn mạnh nguyên tắc: việc mở rộng phải tránh tình trạng công trình vừa hoàn thành đã phải phá dỡ, gây lãng phí; đồng thời, cần ưu tiên các tuyến kết nối với trung tâm kinh tế lớn, giảm áp lực cho ngân sách, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Sau khi phân tích ưu, nhược điểm của hai phương án, VEC đề xuất thực hiện phương án 2, đồng thời kiến nghị phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn để phù hợp với năng lực tài chính và tiến độ bảo hành công trình.
Cụ thể, giai đoạn I sẽ được triển khai từ năm 2026, ngay sau khi kết thúc thời gian bảo hành (tháng 6/2026), bao gồm 3 dự án thành phần khu vực phía Bắc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu (tổng chiều dài 156 km, vốn đầu tư 19.523 tỷ đồng); và 2 dự án phía Nam: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây (dài 200 km, vốn đầu tư 17.843 tỷ đồng).
Giai đoạn II sẽ triển khai sau năm 2028, khi các tuyến còn lại đạt lưu lượng tối đa cho 4 làn xe, gồm 10 dự án thành phần, dài 610 km, vốn đầu tư 90.926 tỷ đồng.
Định rõ vai trò
VEC kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xem xét chủ trì hợp tác cùng SCIC và nhà đầu tư để mở rộng Dự án 1, tổng mức đầu tư khoảng 61.738 tỷ đồng (bao gồm 7.556 tỷ đồng lãi vay), thực hiện phân kỳ đầu tư.
Trong giai đoạn I (2026–2028), VEC sẽ phối hợp đầu tư 3 tuyến từ Mai Sơn đến Diễn Châu, dài 156 km, vốn 22.243 tỷ đồng, hoàn vốn trong 12 năm.
Giai đoạn II gồm 5 tuyến từ Bãi Vọt đến Cam Lộ (Bãi Vọt – Hàm Nghi – Vũng Áng – Bùng – Vạn Ninh – Cam Lộ), dài 259 km, vốn đầu tư 39.495 tỷ đồng, hoàn vốn trong 18 năm.
Với Dự án 2, VEC đề xuất Chính phủ giao các nhà đầu tư có đủ năng lực đảm nhận, nhằm phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh đầu tư dàn trải.
Trường hợp được giao Dự án 1, VEC kiến nghị Chính phủ cho phép giữ lại lợi nhuận giai đoạn 2025–2030 (khoảng 4.769 tỷ đồng) để bổ sung vào vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, VEC cũng đề xuất được thu phí trên các tuyến đã được đầu tư công trước đây, với mức tương đương các tuyến PPP, nhằm giảm phần hỗ trợ từ ngân sách.
Phương án trên được nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả đơn vị từng đề xuất độc lập, đánh giá là phù hợp và khả thi, sẵn sàng hợp tác với VEC triển khai Dự án 1 ngay khi được phê duyệt.
Ông Trương Việt Đông khẳng định VEC có đủ năng lực quản lý đầu tư, vận hành và khai thác dự án theo phương thức PPP. Với vốn điều lệ 39.366 tỷ đồng, VEC có thể huy động tối đa 118.098 tỷ đồng – đáp ứng yêu cầu tài chính cho việc mở rộng các tuyến cao tốc.
Ngoài ra, đối với Dự án 2, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận một số đề xuất từ các nhà đầu tư trong nước. Đáng chú ý, Tập đoàn Sơn Hải đề xuất mở rộng đoạn từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây (679 km) từ 4 làn lên 6 làn xe theo phương thức PPP.
Ông Nguyễn Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cam kết: “Chúng tôi sẽ tự thu xếp toàn bộ nguồn vốn, không sử dụng ngân sách nhà nước; thời gian thi công không quá 24 tháng và bảo hành công trình trong 10 năm”.
UBND TP Hà Nội sẽ sớm ban hành hướng dẫn phân cấp, ủy quyền cho cấp xã trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hai dự án đường sắt quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 220/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
UBND cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tái cấu trúc quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai cấp xã trong tình hình mới.
Vui lòng gửi phản ánh của bạn để chúng tôi hỗ trợ hoặc cải thiện giúp tăng trải nghiệm cho bạn.
Chào mừng đến với Chuyên trang Bất động sản của thời báo VTV
Bạn chưa có tài khoản? Đăng kí ngay
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập