Gắn bó với khu tập thể cũ gần nửa thế kỷ, nhiều hộ dân tại Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) mang trong mình ký ức khó quên về những ngày sống chật chội và bất tiện. Nay, khi dự án tái thiết khu nhà cũ thành cao ốc hiện đại được đề xuất, niềm hy vọng về một cuộc sống khang trang hơn được thắp lên – cùng với đó là không ít băn khoăn, trăn trở.
Nằm giữa lòng Hà Nội tấp nập, khu tập thể Nghĩa Tân – một biểu tượng kiến trúc đô thị thời bao cấp – đang đứng trước bước ngoặt khi sắp được "thay áo" thành khu chung cư cao tầng hiện đại. Với những người dân đã sinh sống tại đây hàng chục năm, thông tin cải tạo không chỉ mang theo kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn gợi lại biết bao hồi ức xưa cũ – những mảng trần bong tróc, những ngày mưa nước tràn lênh láng, những không gian chật hẹp đến ngột ngạt.
Khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) là một trong những khu tập thể cũ của Hà Nội được xây dựng từ năm 1987 (Ảnh: Chân Nhân)
Những năm tháng không thể quên...
"Ở đây từ năm 1987, nhà tôi chỉ rộng khoảng 35m² nhưng có đến năm người cùng sinh sống. Con gái lớn không có một góc riêng để học hành, nghỉ ngơi," bà Nguyễn Mai Hoa, 61 tuổi, chia sẻ. "Nước ở trên đổ xuống, nước ở dưới trào lên. Mỗi mùa mưa là một lần thấp thỏm."
Gác xép nhỏ dựng tạm trong phòng khách kiêm phòng ngủ – giải pháp tận dụng không gian trong căn hộ chỉ vỏn vẹn hơn 30m² (Ảnh: Chân Nhân)
Không chỉ chật chội, xuống cấp, những căn hộ tập thể còn trở thành nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bà Phạm Thị Lương, 55 tuổi, nhớ lại: "Có lần cả gia đình đang ăn cơm thì một mảng trần lớn rơi thẳng vào mâm. Đó là những kí ức chẳng thể nào quên được..."
Trần, tường nhà bong tróc nghiêm trọng, dấu vết của thời gian và điều kiện sống xuống cấp tại khu tập thể cũ (Ảnh: Chân Nhân)
Suốt nhiều năm, gia đình bà Lương đã tự bỏ tiền cải tạo tới bảy lần – từ nâng nền nhà, sửa toilet đến bọc dây điện bằng ống nhựa để tránh rò rỉ. Các khu tập thể tại Nghĩa Tân được xây dựng theo mô hình cũ, thiếu nhà vệ sinh riêng, thiếu hệ thống thoát nước hiệu quả, thiếu không gian sinh hoạt tối thiểu.
Có lúc hơn chục người phải dùng chung một nhà vệ sinh nhỏ hẹp, ẩm mốc và xuống cấp như thế này (Ảnh: Chân Nhân)
Nhiều người sống trong căn hộ vỏn vẹn 35m² – buộc phải biến mọi không gian thành đa năng: góc nấu ăn đối diện nhà vệ sinh, phòng ăn là phòng tiếp khách, thậm chí tủ lạnh còn kê sát cửa. Không gian chung thì xuống cấp nghiêm trọng. Nước thải trào ngược từ toilet, cống rãnh, nền nhà ẩm ướt. Mùa mưa, chỉ cần mưa to nửa giờ là nước tràn ngược từ ngoài vào trong. Có thời điểm, gia đình bà Lương phải ở trong không gian rất bẩn. Đồ đạc kê cao vẫn bị hỏng vì ẩm mốc, thường xuyên chịu cảnh sàn nhà bốc mùi, chuột bọ chui từ cống. Dù đã cải tạo đường ống, bể phốt riêng từ năm 2016, tình trạng này chỉ được cải thiện phần nào.
Chiếc tủ lạnh kê sát cửa, kệ giày bám tường – từng mét vuông trong căn hộ tập thể đều được tận dụng triệt để (Ảnh: Chân Nhân)
Hồi hộp chờ ngày "đổi đời"
Theo Quyết định số 6742/QĐ-UBND được công bố vào cuối năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) với tỷ lệ 1/500. Đến khoảng đầu tháng 4 năm 2025, UBND quận Cầu Giấy tổ chức hội nghị công bố công khai và bàn giao hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch. Trước thông tin đó, những hộ dân như bà Hoa và bà Lương không giấu được niềm phấn khởi. Họ mong một cuộc sống mới – với căn hộ khang trang, không gian đủ đầy, không còn cảnh không gian chật chội, nước tràn cả vào nhà. "Chúng tôi đều đã có tuổi. Nếu được chuyển lên chung cư, nhà cửa sạch sẽ, không gian thoáng đãng thì chắc chắn sẽ tốt cho cả sức khỏe và tinh thần," bà Hoa chia sẻ.
Bà Hoa chuẩn bị bữa tối trong gian bếp chỉ vừa đủ một người đứng – nơi sinh hoạt hàng mấy chục năm của cả gia đình (Ảnh: Chân Nhân)
Tuy nhiên, bên cạnh sự háo hức vẫn tồn tại nhiều băn khoăn. Là một trong những hộ kinh doanh ở tầng trệt đã nhiều năm, bà Lương cảm thấy lo lắng khi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình: "Tôi mong rằng sau này chính quyền và chủ đầu tư sẽ tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh như tôi cơ hội có một gian hàng buôn bán hoặc cho thuê ở tầng 1 để đảm bảo kế sinh nhai" bà nói.
Gia đình bà Phạm Thị Lương trong không gian sinh hoạt chung chật hẹp, nơi phòng khách kiêm luôn phòng ăn, còn bếp nấu chỉ cách vài bước chân (Ảnh: Chân Nhân)
Giấc mơ đô thị văn minh
Dự án cải tạo khu tập thể Nghĩa Tân không chỉ là việc xây mới những khối nhà cao tầng, mà là bước chuyển quan trọng trong việc nâng cấp chất lượng sống đô thị – từ những căn hộ nhỏ, xuống cấp về hạ tầng, sang không gian sống hiện đại, tiện nghi và an toàn hơn.
Người dân nơi đây đã gắn bó suốt nhiều thập kỷ với từng bức tường cũ, hành lang hẹp, cầu thang gỉ sét – không chỉ là nơi ở mà là cả một phần đời. Nhưng sau bao năm sống chung với cảnh trần thấm, tường mốc, nhà cửa ẩm thấp mỗi mùa mưa, ai cũng mong có thể chạm tới một cuộc sống đủ đầy hơn – nơi con cháu có ánh sáng để học hành, người lớn có không gian để nghỉ ngơi, và mỗi buổi chiều về được yên tâm khép cửa trong một tổ ấm khang trang, sạch sẽ, vững chãi giữa lòng phố thị đổi thay.
Dự kiến, TP.Huế sẽ thu được hơn 1.900 tỷ đồng từ việc bán đấu giá trụ sở Công an thành phố và một số khu đất khác.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành 1.756 căn nhà ở xã hội tại 3 dự án, bao gồm 300 căn hộ cho công nhân và 1.456 phòng lưu trú tại khu công nghiệp. Hiện tỉnh đang triển khai 34 dự án với hơn 29.000 căn hộ nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Từ ngày 2 đến 8/5, tỉnh Nghệ An đã khởi công và hoàn thành 1.032 căn nhà cho người nghèo, trong đó có 373 căn xây mới và 679 căn được bàn giao đưa vào sử dụng. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có hoàn cảnh khó khăn, với mục tiêu hoàn thành 21.176 căn trước ngày 31/7/2025.
Bộ Xây dựng đã có ý kiến chính thức liên quan đến đề xuất nâng cấp tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Vui lòng gửi phản ánh của bạn để chúng tôi hỗ trợ hoặc cải thiện giúp tăng trải nghiệm cho bạn.
Chào mừng đến với Chuyên trang Bất động sản của thời báo VTV
Bạn chưa có tài khoản? Đăng kí ngay
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập