UBND TP Hà Nội sẽ sớm ban hành hướng dẫn phân cấp, ủy quyền cho cấp xã trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hai dự án đường sắt quốc gia.
Ngày 11/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội) để nghe báo cáo về tiến độ triển khai công tác GPMB 2 Dự án.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại - Đại diện Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo GPMB đã thông tin khái quát về 2 Dự án.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội có chiều dài khoảng 37,5 km, đi qua địa bàn các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm (trước đây). Dự kiến khối lượng GPMB trên địa bàn thành phố Hà Nội là khoảng 245,2 ha. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Dự án đi qua các địa bàn các xã: Tiến Thắng, Quang Minh, Phúc Thịnh, Thư Lâm, Phù Đổng, Thuận An.
Về việc triển khai công tác GPMB, thu hồi đất, qua rà soát, tổng hợp cho thấy huyện Mê Linh (nay là các xã Tiến Thắng, Quang Minh) có diện tích đất cần thu hồi khoảng 9,394 ha. Vị trí tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn đi qua địa phận huyện Mê Linh cơ bản chạy qua phần diện tích đất nông nghiệp, không phải thực hiện công tác tái định cư. Dự kiến tổng chi phí GPMB khoảng 92,1 tỷ đồng.
Huyện Đông Anh (nay là các xã Phúc Thịnh, Thư Lâm) có diện tích đất cần thu hồi khoảng 72,099ha; dự kiến tổng chi phí GPMB khoảng 2.182,8 tỷ đồng. Huyện Gia Lâm (nay là các xã Phù Đổng, Thuận An) có tổng diện tích thu hồi đất (2 giai đoạn) bao gồm cả phạm vi bảo vệ 2 bên đường sắt, nhà ga khoảng 198ha (xã Phù Đổng - sau sắp xếp, khoảng 171,5ha; xã Thuận An - sau sắp xếp, khoảng 25,6ha).
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài tuyến đi qua trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 27,9km, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi, GPMB trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 112,74ha, nằm trên địa bàn các xã: Ngọc Hồi, Thường Tín, Thượng Phúc, Phượng Dực, Chuyên Mỹ và Đại Xuyên (các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên trước đây).
Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, để đảm bảo nội dung, tiến độ báo cáo về việc thực hiện công tác thu hồi đất GPMB, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các xã, phường thuộc phạm vi 2 Dự án tuyến đường sắt quốc gia đi qua: Các xã, phường chưa có văn bản báo cáo về công tác GPMB, phạm vi diện tích thu hồi đất, nhu cầu tái định cư 2 Dự án theo chỉ đạo của UBND Thành phố khẩn trương gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp.
UBND các xã, phường chủ trì giải quyết các vướng mắc (nếu có) trong công tác GPMB thuộc thẩm quyền theo chỉ đạo tại Văn bản số 3865/UBND-NNMT của UBND Thành phố. Đồng thời, cung cấp thông tin đầu mối cán bộ tổng hợp các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia, gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường để biết và theo dõi, liên hệ.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn khẳng định, đây là hai dự án quốc gia trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển kết cấu hạ tầng của Thủ đô. Do đó, các địa phương phải chủ động, chịu trách nhiệm trong quá trình GPMB, nhất là khâu chuẩn bị tái định cư cho người dân.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh ghi nhận nỗ lực của các xã trong việc triển khai công tác GPMB, nhất là khi mới thực hiện mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các đồng chí lãnh đạo xã tham dự cuộc họp này báo cáo với Thường trực Đảng ủy xã để bảo đảm tinh thần quyết liệt, thông suốt mọi chỉ đạo từ Trung ương đến Thành phố xuống các địa phương. Trong đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã phải là Trưởng Ban chỉ đạo GPMB của xã để chỉ đạo thực hiện các dự án GPMB trên địa bàn liên quan đến 2 Dự án quan trọng này.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, về phía UBND Thành phố sẽ sớm ký ban hành hướng dẫn các quy định liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, thẩm quyền của cấp xã trong thực hiện công tác GPMB 2 Dự án. Trong đó, hướng dẫn cụ thể những phần việc nào thuộc thẩm quyền, phần việc nào phải xin ý kiến cấp trên để bảo đảm việc GPMB đúng quy định của pháp luật và tiến độ đề ra, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến việc chỉ định thầu.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các xã liên quan đến 2 Dự án cần chủ động và trong tuần sau phải chốt được các điểm tái định cư trên địa bàn. Về phía Sở Quy hoạch Kiến trúc của thành phố, đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị sớm tham mưu Thành phố quy hoạch các khu tái định cư phục vụ các dự án đầu tư của thành phố từ nay đến năm 2030.
Sáng 12/7, Hội thảo chuyên đề: "Bất động sản siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức.
Tại sự kiện "Bất động sản TP Hồ Chí Minh – Thời cơ vàng cho đầu tư Hà Nội", các chuyên gia nhận định khu Đông Bắc TP Hồ Chí Minh đang nổi lên như tâm điểm mới nhờ cú hích sáp nhập, hạ tầng đồng bộ và sức hút đầu tư vượt trội.
2 dự án lớn tại Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng xã hội do vướng mắc kéo dài về thủ tục đất đai, pháp lý đầu tư và xây dựng, dù đã được phê duyệt quy hoạch từ nhiều năm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại nhiều phường, xã theo phản ánh của báo chí và báo cáo của Công an Thành phố.
Vui lòng gửi phản ánh của bạn để chúng tôi hỗ trợ hoặc cải thiện giúp tăng trải nghiệm cho bạn.
Chào mừng đến với Chuyên trang Bất động sản của thời báo VTV
Bạn chưa có tài khoản? Đăng kí ngay
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập