15 năm mất đất, chưa nhận một đồng tiền đền bù

Thứ Tư, 7/5/2025, 10:58
15 năm mất đất, chưa nhận một đồng tiền đền bù

15 năm sau khi giao đất cho dự án hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam, hơn 50 hộ dân thôn Thủy Yên Thượng (Phú Lộc, TP Huế) vẫn trắng tay: đất mất, tiền đền bù không thấy, sinh kế bị cắt đứt.

Chặt cây, bỏ đất… rồi mòn mỏi chờ đợi

Năm 2010, UBND xã Lộc Thủy thông báo đến người dân Thủy Yên Thượng về việc thu hồi đất nông nghiệp, đất rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam. Chính quyền địa phương sau đó tiến hành đo đạc, lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng, công khai bảng kê chi tiết diện tích đất bị thu hồi cùng mức đền bù tương ứng.

Theo người dân, bảng kê đền bù được niêm yết tại nhà trưởng thôn, thể hiện rõ ràng tên từng hộ, số diện tích bị thu hồi và số tiền dự kiến được nhận. Gần 50 hộ dân bị thu hồi tổng cộng hơn 26ha đất, với mức đền bù dự kiến gần 20 tỷ đồng. Tất cả đều đồng thuận ký biên bản và chủ động bàn giao mặt bằng trước, theo yêu cầu của chính quyền.

[EDIT] Phần đất của người dân bị thu hồi nhưng chưa được đền bù nằm dưới chân hồ chứa nước Thuỷ Yên.jpg

Phần đất của người dân bị thu hồi nhưng chưa được đền bù nằm dưới chân hồ chứa nước Thuỷ Yên.

Ông Trần Văn Đặng, một trong những hộ bị thu hồi đất kể lại: “Gia đình tôi mất gần 3.000m², được thông báo sẽ nhận hơn 235 triệu đồng tiền đền bù. Khi cán bộ xã nói cần giao đất trước rồi mới được nhận tiền, tôi lập tức chặt hết cây, ngừng sản xuất để giao đất sạch. Nhưng từ đó đến nay, đất mất mà tiền cũng chẳng thấy đâu”.

Tình trạng tương tự xảy ra với hàng chục hộ khác. Có người đốn cả rừng keo, có người phá bỏ cây ăn trái, hy sinh sinh kế chỉ với niềm tin sẽ được đền bù đúng như cam kết. Thế nhưng 15 năm trôi qua, họ vẫn chưa nhận lại được một đồng nào. Giấy tờ đất trước đây nay cũng không còn giá trị, do khu đất bị xác định là đã thu hồi.

“Mang hồ sơ ra huyện để làm lại sổ đỏ thì cán bộ nói đất bị thu hồi từ năm 2010 rồi. Nhưng đã thu hồi thì sao không đền bù? Giờ đất thì không còn mà quyền sở hữu cũng mất trắng”, một người dân bức xúc nói.

15 năm đi đòi lại đất của chính mình

Không cam chịu, suốt hơn một thập kỷ, hơn 50 hộ dân thôn Thuỷ Yên Thượng không ngừng gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền, từ xã lên huyện, tỉnh, rồi cả Trung ương. Nhưng những gì họ nhận lại chỉ là những văn bản hồi đáp chung chung, thiếu thông tin cụ thể, không một cam kết rõ ràng nào về việc chi trả hay xử lý.

Ông Trần Văn Đặng chia sẻ: “Tôi nộp đơn khắp nơi, không dưới mười mấy lá đơn, đến cả Trung ương cũng đã gửi. Mỗi lần tiếp xúc cử tri tôi đều lên tiếng, nhưng đến giờ vẫn không ai nói lý do vì sao chưa đền bù. Cũng chẳng ai trả lời rõ là đất có được trả lại không”.

[EDIT] Ông Trần Văn Đặng (đeo kính) và hàng chục hộ dân vẫn đi tìm lại những quyền lợi chính đáng của họ.JPG

Ông Trần Văn Đặng (đeo kính) và hàng chục hộ dân vẫn đi tìm lại những quyền lợi chính đáng của họ.

Ông Trương Tập, một người dân khác nói: “Chúng tôi không phản đối dự án, thậm chí còn tự nguyện giao đất. Nhưng 15 năm trôi qua, không một ai đứng ra giải thích chuyện gì đang xảy ra. Nếu không đền bù thì hãy trả lại đất để chúng tôi còn được canh tác hợp pháp”.

Nỗ lực làm lại sổ đỏ của người dân cũng vô vọng, bởi đất đã bị đưa vào diện “đã thu hồi”. Họ bị treo quyền sử dụng đất: không được đền bù, không được làm ăn, cũng không còn cơ sở pháp lý để đòi quyền lợi chính đáng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy xác nhận, dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 645 tỷ đồng. Trên thực tế, huyện Phú Lộc đã ban hành quyết định thu hồi hơn 44,7ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên sau đó, Ban quản lý dự án lại có văn bản thông báo… không còn nhu cầu sử dụng phần đất đã thu hồi, nên không thực hiện việc chi trả đền bù.

[EDIT] Khi đối chiếu trên bản đồ thì phần đất của hơn 50 hộ dân đã bị thu hồi, trong khi người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù.JPG

Khi đối chiếu trên bản đồ thì phần đất của hơn 50 hộ dân đã bị thu hồi, trong khi người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Ông Thành cho biết thêm: trong thời gian tới, xã sẽ kiến nghị lên UBND huyện và các cơ quan liên quan để tổ chức đo đạc lại, cắm mốc ranh giới và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

15 năm trôi qua trong im lặng. Đất đã mất, sinh kế bị cắt đứt, tiền đền bù bặt vô âm tín. Người dân Thủy Yên Thượng vẫn lặng lẽ đi tìm câu trả lời cho quyền lợi tưởng như hiển nhiên của mình. Sau những lá đơn và bảng kê là hàng loạt quyết định, công văn, và những trách nhiệm chưa từng được làm rõ… 

Cùng chuyên mục

Xem tất cả

Chính phủ vừa giao UBND thành phố Đà Nẵng tiếp nhận và quản lý nút giao quốc lộ 14B với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (nút giao Túy Loan). Công trình có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 400 tỉ đồng, nhằm đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

12/12/2024 04:58 PM

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 493/TB-UBND, chấp thuận cho các tổ chức kinh doanh bất động sản được triển khai 148 dự án thí điểm trên tổng diện tích hơn 840 ha, trong đó có gần 170 ha đất trồng lúa. Các dự án tập trung tại nhiều quận, huyện như Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Xuân… và chủ yếu là các tổ hợp nhà ở – thương mại – sinh thái.

12/12/2024 04:58 PM

Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa được chỉnh lý theo hướng không giới hạn hoạt động đầu tư bất động sản của doanh nghiệp nhà nước. Theo Quốc hội, quy định này sẽ tạo điều kiện linh hoạt hơn cho doanh nghiệp trong khai thác tài sản, phù hợp với thực tế hoạt động và yêu cầu phát triển.

12/12/2024 04:58 PM

Nhằm đảm bảo vận hành thông suốt sau khi sáp nhập hành chính, UBND TP.HCM giao Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để rà soát, chuẩn bị hạ tầng, phương án kỹ thuật và nguồn nhân lực công nghệ thông tin từ cấp tỉnh đến cấp xã.

12/12/2024 04:58 PM