Đến năm 2030, muốn hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội thì cần đẩy nhanh tiến độ, mỗi năm phải đạt được khoảng 150.000 căn.
Thời gian qua, Chính phủ và các cấp ngành đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc triển khai phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhắm đến việc cải thiện chất lượng sống cho người dân và giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhà ở.
Tại Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc phát triển nhà ở xã hội đã được bàn nhiều, nhưng công tác triển khai hiệu quả chưa cao.
20% quỹ đất dành cho dịch vụ thương mại
Để tháo gỡ khó khăn các cơ quan Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành, nhưng chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn phải bảo đảm; hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, điện nước… phải đồng bộ, thuận lợi.
Số liệu thống kê cho thấy tổng số căn hộ mới hoàn thành ước tính vào khoảng 100.000 căn, tương đương 10% chỉ tiêu của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đến năm 2030, muốn hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội thì cần phải đẩy nhanh tiến độ. Mỗi năm cần phải đạt được khoảng 150.000 căn mới hoàn thành được mục tiêu.
Đánh giá về thực trạng này, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài Chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguồn cung nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn khan hiếm.
“Trước đây, nhà ở xã hội được coi là một “mặt trận từ thiện”, không được ưu tiên đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ đã có cái nhìn cởi mở hơn và liên tục giao chỉ tiêu xây dựng NOXH cho các địa phương và doanh nghiệp”, ông Lực nhận định.
Ảnh minh hoạ.
Theo Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP, doanh nghiệp đầu tư NOXH được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, 20% quỹ đất trong dự án có thể phát triển nhà ở thương mại, dịch vụ mà không bị khống chế lợi nhuận, tạo thêm nguồn thu.
Ngoài ra, doanh nghiệp được hỗ trợ đấu nối hạ tầng kỹ thuật, tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng, với điều kiện hấp dẫn hơn nếu phát triển NOXH để cho thuê. Nhà nước cũng quy định mức lợi nhuận 10% cho NOXH, tuy không cao nhưng ổn định, giúp doanh nghiệp giảm rủi ro trong bối cảnh thị trường biến động.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội là của một doanh nghiệp hay của một cơ quan xây dựng mà của cả tổng thể hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn xã hội. Giải quyết nhà ở xã hội không chỉ cho một số đối tượng mà cả xã hội cũng được hưởng lợi từ việc phát triển nhà ở xã hội.
Nhiều chính sách mới thuận lợi cho người mua
Về phía người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, hiện nay cũng đã có nhiều chính sách mới thuận lợi hơn. Theo ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến phát triển NOXH đã được quan tâm tháo gỡ.
Cụ thể, chính sách nhà ở xã hội hiện nay đã có nhiều cải tiến. Mức thu nhập tối đa để được mua NOXH tăng từ 11 triệu lên 15 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; từ 22 triệu lên 30 triệu đồng/tháng đối với hộ gia đình.
“Quy định yêu cầu người mua không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân cũng được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi hơn. Quy trình xác nhận thu nhập cũng được đơn giản hóa, giúp người lao động dễ dàng chứng minh điều kiện tham gia, thay vì phải xin xác nhận phức tạp như trước đây”, ông Bình cho biết.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, với ngân sách hằng năm cấp từ 2.000 đến 3.000 tỷ đồng cho các ngân hàng để cho vay. Các khoản vay có thời gian tối đa từ 20 đến 25 năm, với mức lãi suất ưu đãi là 6,6%/năm, tương đương với lãi suất cho vay cho hộ nghèo.
Ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Phạm Hưng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức lãi suất này có thể cần được xem xét lại để phù hợp hơn. TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ, mặc dù các nguồn vốn đã được cấp, nhưng vẫn còn hạn chế và cần một cấu trúc nguồn vốn ổn định, hợp lý để đáp ứng nhu cầu cả cho chủ đầu tư và người mua nhà.
Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, nơi các quỹ nhà ở thường phân bổ 70% vốn vay cho người mua và 30% cho chủ đầu tư, đồng thời, thực hiện bảo lãnh tài chính, là một hướng đi có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các dự án nhà ở xã hội.
Một khía cạnh quan trọng khác là tính ổn định và minh bạch của lãi suất. Không ít người lo ngại về nguy cơ lãi suất thả nổi hoặc điều chỉnh sau vài năm, khiến áp lực tài chính tăng cao. Do đó, theo các chuyên gia, cần quy định rõ mức lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay ưu đãi, đồng thời có phương án hỗ trợ người vay nếu gặp biến cố như mất việc, bệnh tật, tai nạn...
Một chính sách nhà ở xã hội hiệu quả không chỉ nằm ở việc xây thật nhiều căn hộ giá rẻ, mà còn nằm ở khả năng biến những căn hộ đó thành nơi chốn thuộc về của người lao động - những người đã và đang đóng góp âm thầm nhưng bền bỉ vào sự phát triển của đô thị.
71 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Hà Nội sẽ bị xử phạt với số tiền gấp 2 lần quy định hiện hành của Chính phủ.
154 khu đất với tổng diện tích hơn 840 ha được TP Hà Nội đề xuất thí điểm làm dự án nhà thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.
UBND TP. Hà Nội mới đây ban hành Quyết định số 2211 phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025 (đợt 5).
Đồng Nai đang khẩn trương xây dựng 7 khu nhà công vụ để đảm bảo chỗ ở, sẵn sàng cho cuộc chuyển giao lớn nhất trong tổ chức hành chính cấp tỉnh nhiều năm qua.
Vui lòng gửi phản ánh của bạn để chúng tôi hỗ trợ hoặc cải thiện giúp tăng trải nghiệm cho bạn.
Chào mừng đến với Chuyên trang Bất động sản của thời báo VTV
Bạn chưa có tài khoản? Đăng kí ngay
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập