Đất treo, quyền mất: 15 năm đi đòi lại mảnh đất của chính mình

Thứ Bảy, 10/5/2025, 15:10
Đất treo, quyền mất: 15 năm đi đòi lại mảnh đất của chính mình

15 năm sau quyết định thu hồi đất, dự án đã đổi hướng, nhưng quyền lợi của người dân Thủy Yên Thượng vẫn mắc kẹt giữa lưng chừng pháp lý và sự im lặng của cơ quan chức năng.

Một dự án, nhiều vướng mắc, không ai đứng ra giải quyết

Mười lăm năm trước, những người nông dân ở thôn Thủy Yên Thượng (huyện Phú Lộc) đã tự tay chặt bỏ cây trái trên đất, giao mặt bằng cho dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam. Họ tin vào những lời hứa. Nhưng 15 năm sau, thứ họ nhận được chỉ là sự im lặng.

Hiện nay trên bản đồ địa chính của xã Lộc Thuỷ người dân không tìm thấy mảnh đất của mình.JPG

Hiện nay trên bản đồ địa chính của xã Lộc Thuỷ người dân không tìm thấy mảnh đất của mình.

Theo hồ sơ mà phóng viên Thời báo VTV tiếp cận, từ năm 2010, hơn 50 hộ dân nơi đây bị thu hồi đất sản xuất với tổng diện tích trên 26 héc-ta để phục vụ cho một dự án thủy lợi quy mô lớn. Dự án khi ấy do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 645 tỉ đồng. UBND huyện Phú Lộc ban hành quyết định thu hồi hơn 44,7 héc-ta đất, trong đó phần lớn là đất của người dân Thủy Yên Thượng.

Người dân kể rằng, họ từng được xem bảng kê đền bù ngay tại nhà trưởng thôn. Không một ai phản đối thu hồi. Họ chỉ yêu cầu được bồi thường xứng đáng để ổn định cuộc sống. Nhưng rồi, việc đền bù không đến, giấy tờ đất cũ bị "treo", giấy tờ mới không được cấp. Cả khu đất 26 héc-ta chìm vào trạng thái pháp lý mập mờ: không thuộc về người dân.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Lộc, xác nhận có điều chỉnh trong quy hoạch, khiến nhiều diện tích không còn cần thiết cho dự án. Nhưng cho đến nay, chưa có giải pháp nào được triển khai để giải quyết phần đất bị bỏ lại. “Chúng tôi đang phối hợp rà soát, lập danh sách và xin kinh phí để đo đạc, cấp lại sổ đỏ cho dân,” ông Tánh nói.

Song với người dân, câu trả lời đó quá muộn màng. Bởi điều họ cần không chỉ là một lời hứa, mà là một hành động cụ thể. Nếu đất không còn dùng cho dự án, vì sao không có quyết định trả lại rõ ràng? Và nếu đã thu hồi, tại sao suốt hơn một thập kỷ, quyền lợi người dân vẫn bị bỏ quên?

Không đền bù, cũng không trả lại đất: quyền lợi bị treo, dân kẹt giữa hai đầu

Từ năm 2010 đến nay, người dân Thủy Yên Thượng đã quen với cảnh gõ cửa từng cấp chính quyền chỉ để hỏi một điều: “Mảnh đất của gia đình tôi giờ là của ai?”

Ông Đào Tưởng, một người dân nằm trong diện bị ảnh hưởng, chua chát kể: “Ngày thu hồi đất, chúng tôi không phản đối, cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Nhưng 15 năm rồi, không ai trả lời được vì sao chúng tôi không có đồng nào đền bù, cũng không có cách nào để làm lại sổ đỏ. Họ chỉ nói đất đã thu hồi rồi”.

Hồ chứa nước Thuỷ Yên được hoàn thành đến nay đã gần 10 năm nhưng công tác đền bù vẫn còn nhiều vướng mắc.jpg

Hồ chứa nước Thuỷ Yên được hoàn thành đến nay đã gần 10 năm nhưng công tác đền bù vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thực tế, một phần đất hiện vẫn bị bỏ hoang do người dân không dám sử dụng. Một phần khác thì được canh tác cầm chừng trong tâm trạng bất an, không giấy tờ, không cơ sở pháp lý. Mọi hoạt động liên quan đến thế chấp, chuyển nhượng, hay thậm chí xin hỗ trợ sản xuất đều bị ngăn chặn. Mảnh đất từng là sinh kế của nhiều hộ gia đình giờ trở thành “vùng trắng” pháp lý tồn tại trên bản đồ nhưng vô hình trong sổ sách.

Ông Đặng Ngọc Quốc An, Phó phòng Kỹ thuật của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Huế, thừa nhận dự án đã phải điều chỉnh sau Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công. Theo ông, phần đất không còn sử dụng đã được giao lại địa phương để hướng dẫn dân tiếp tục sử dụng, và tỉnh cũng từng có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thế nhưng, trên thực tế, những văn bản đó chưa bao giờ đến tay người dân. Không ai giải thích quy trình, không ai xác nhận cụ thể bằng giấy tờ. Quan trọng hơn, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi hướng dẫn.

Khi mang sổ đỏ đến Trung tâm hình chính công để cấp đổi sổ mới thì người dân được trả lời bằng mẫu giấy Đã đền bù dự án đập nước.JPG

Khi mang sổ đỏ đến Trung tâm hình chính công để cấp đổi sổ mới thì người dân được trả lời bằng mẫu giấy Đã đền bù dự án đập nước.

Tình trạng này tạo ra một vòng lặp bế tắc: các công văn vẫn được ban hành đều đặn, nhưng quyền lợi của dân thì vẫn “trôi không điểm đến”. Một mặt, đất bị thu hồi nên không thể đòi bồi thường. Mặt khác, dự án không còn sử dụng đất, nhưng thủ tục trả lại thì không được thực hiện. Giữa hai đầu mâu thuẫn đó, người dân trở thành bên chịu thiệt, sống trong cảnh mỏi mòn và hoài nghi về hiệu lực của chính sách công.

“Tôi chỉ cần làm lại được sổ đỏ, có giấy tờ đàng hoàng để yên tâm canh tác, chứ không phải lúc nào cũng nơm nớp như đang ở nhờ trên chính đất của mình,” một người dân chia sẻ, giọng đượm buồn.  

Cùng chuyên mục

Xem tất cả

Dù Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhưng đến nay, sau 9 tháng, hầu hết các địa phương vẫn chưa tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Sự chậm trễ này không chỉ gây khó cho hàng chục nghìn người hành nghề, mà còn tiềm ẩn rủi ro cho toàn thị trường.

12/12/2024 04:58 PM

TP. Hồ Chí Minh cấp sổ hồng cho hơn 63.800 căn hộ; Hà Nội đề xuất xây cao 40 tầng tại khu tập thể Vĩnh Hồ; Hải Phòng mở bán 6 dự án nhà ở xã hội giá từ 14 triệu đồng/m². Trong khi đó, nhà ở xã hội ngày càng bị “lấn sân” bởi người khá giả, còn doanh nghiệp làm nhà giá rẻ thì chật vật vì chi phí đội lên quá cao.

12/12/2024 04:58 PM

Trước hàng loạt vướng mắc trong công tác định giá đất, tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành rà soát hồ sơ 22 dự án, đồng thời tổ chức thuê đơn vị tư vấn xác định lại giá đất theo Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu quá khứ, thiếu đơn vị tư vấn tham gia và bất cập trong phương pháp định giá khiến tiến độ triển khai gặp nhiều khó khăn.

12/12/2024 04:58 PM

Bất chấp nhiều biến động kinh tế, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh trong quý I/2025, đạt mức cao nhất từ năm 2018. Đặc biệt, nhóm bất động sản ghi nhận mức tăng đột phá 139%, chiếm hơn 60% mức tăng chung toàn thị trường, trở thành động lực chính cho đà phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp.

12/12/2024 04:58 PM